Khám phá miền tây

Miền tây , với sống ngồi chằn chịt hệ sinh thái đa dạng khí hậu ôn hòa đã giúp cho miền tây có rất nhiều đặc sản. Nào bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu thôi.

Vài nét về miền tây

Miền Tây – đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam, hay còn gọi là vùng đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc nói ngắn gọn là miền Tây thì người dân Việt Nam cũng có thể hiểu được. Miền Tây Nam Bộ gồm có 12 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) và 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ).

Miền Tây nổi tiếng với nhiều kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc. Các con sông này nguồn nước dẫn chủ yếu là từ sông Cửu Long (Cửu Long giang), là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam. Từ Phnom Penh, sông Mê Kông chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba-thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220–250 km mỗi sông.


Bản đồ các tỉnh miền Tây

Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long. Lưu lượng hai sông này rất lớn, cung cấp nguồn phù sa cho khắp vùng đồng bằng Nam Bộ. Nhờ vậy, cây trái tốt tươi, tạo nên nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả. Chính vì thế, vùng đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ, hình thành nên văn hóa sông nước và văn hóa miệt vườn.

Đồng bằng sông Cửu Long có đường bờ biển dài trên 700 km, phía Tây Bắc giáp Campuchia, Đông Bắc tiếp giáp Vùng Đông Nam Bộ, Đông giáp biển Đông, Nam giáp Thái Bình Dương, Tây giáp vịnh Thái Lan. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đắc địa, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Về mặt khí hậu, địa chất: Nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C, hầu như ổn định quanh năm, mưa thuận gió hòa, ít xảy ra tình trạng thiên tai. Một năm thường có 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Mùa nước nổi thường diễn ra từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 dương lịch, có nơi từ tháng 9 đến tháng 10, tùy năm. Đến tham quan miền Tây mùa nào cũng có những điều thú vị riêng.

Nhà trên sông ở miền Tây

Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhờ lượng phù sa từ dòng sông bồi đắp nên nghề chính ở đây vẫn là nông nghiệp, gắn liền với cây lúa nước (đất phù sa chiếm khoảng 30%). Đất ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài việc để sản xuất nông nghiệp còn được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, ở nhiều nơi ở vùng này rất dồi dào nguồn than bùn dùng để làm chất đốt, làm gạch ngói.

Về hệ sinh thái: Dưới những ảnh hưởng của môi trường biển và sông, từ lâu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt (Vườn quốc gia Tam Nông, rừng Trà Sư, vùng Đồng Tháp Mười), hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc Gia U Minh Hạ), hệ sinh thái nông nghiệp.

Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành nên hệ thực vật ngập mặn rất phong phú và đa dạng, nhưng phổ biến ở vùng này như các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước…

Con người miền Tây

Miền tây – đồng bằng sông Cửu Long bao gồm dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm trong đó người Kinh chiếm đại đa số. Còn lại, người Hoa tập trung nhiều ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng; người Chăm sống chủ yếu ở An Giang; người Khmer có mặt đông đúc ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang.


Nụ cười trẻ con ở miền Tây

Người miền Tây Nam Bộ ảnh hưởng sâu đậm văn hóa sông nước hay còn gọi là tính sông nước. Người miền Tây có thói quen di chuyển bằng xuồng, nhà ở gần kênh rạch. Nguồn thực phẩm họ ăn hằng ngày cũng từ thủy sản, những con vật sống ở dưới nước như cá, tôm, cua, lươn, ốc… Từ nguyên liệu chính này, họ có nhiều cách chế biến để có bữa ăn ngon như luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm…

Ngôn ngữ đời sống hằng ngày của họ cũng rất phong phú, thường dùng những từ ngữ chỉ các sự vật, khái niệm liên quan đến nước mà trong tiếng Việt toàn dân không có, như rạch, xẻo, láng, xáng, lung, bung, bưng, bàu, đìa (nơi chứa nước); cù lao, cồn, bãi, bưng, biền, trấp (vùng đất có nước bao quanh); rong, nhửng, ương, giựt, ròng (sự vận động của nước); ghe, xuồng, tam bản, vỏ lái, tắc ráng (phương tiện vận chuyển)… Đa số là phương ngữ và chỉ có người sống ở miền Tây, địa phương đó mới hiểu.

Người miền Tây nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, bụng dạ thật lòng, muốn nói điều gì là nói ra điều ấy ngay chứ không nói vòng vo tam quốc như phong cách của người Bắc. Có được điều này có lẽ cũng do đời sống hằng ngày của họ là sự chung sống hài hòa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Ở mỗi dân tộc họ có phong tục riêng, tôn giáo khác nhau nhưng những người miền Tây nói chung họ sống rất hòa hợp, tôn trọng tín ngưỡng lẫn nhau.

Con người miền tây

Người miền Tây nổi tiếng phóng khoáng và hiếu khách

Người miền Tây có những tính cách trái ngược nhau với biên độ khá rộng: “đã làm thì làm chết thôi, còn chơi thì chơi xả láng, Thương thì thương mút mùa Lệ Thủy, ghét thì ghét mãn kiếp. Khi không ưng thì cạy miệng cũng không nói, lúc đã thuận tình thì mở gan ruột cho xem”. Phong cách của người miền Tây là thế. Điều này nó thể hiện ở nếp suy nghĩ và đời sống hằng ngày ở nơi đây. Đa số họ làm và ăn, ít tằn tiện tích góp như người miền Trung. Người miền Tây sống thực tế, tới đâu hay tới đó, làm đủ ăn, có bao nhiêu xài bao nhiêu. Có lẽ, một phần vì thiên nhiên ở đây ưu đãi, mưa thuận gió hòa, trên bờ hái nhúm rau, cái khế, dưới sông bắt con cá chốt cũng xong bữa cơm nên họ ít lo nghĩ sâu xa hơn dân các miền khác.

Người miền Tây dễ thay đổi cách sống, chỗ ở, nhiều người sẵn sàng chấp nhận từ bỏ quê hương đến những vùng đất mới để hy vọng được đổi đời. Văn hoá Nam Bộ đánh giá cao những con người bản lĩnh, dám chấp nhận di chuyển. Có lẽ điều này là sự thừa hưởng tính cách của ông cha ngày trước, đến vùng đất này thời khai hoang, lập đất. Người miền Tây có tính trọng nghĩa tình, xởi lởi, chữ “nghĩa” đối với họ đôi khi còn quan trọng hơn cả chữ “tình”, “hết tình còn nghĩa”, đó là quan điểm sống của họ. Người miền Tây coi nhẹ tiền tài, của cải vật chất, họ thích cuộc sống hưởng an nhàn bên sông nước, bờ lau, ít nghĩ đến việc ngày mai.

Một cảnh lao động trên sông của người miền Tây vào mùa thu hoạch bông súng

Người miền Tây nổi tiếng hiếu khách, hào hiệp, sẵn sàng cho người khách lữ hành lỡ bước tá túc ở nhà, họ đãi cơm rượu như người bà con xa mới về. Tính cách này cuả người miền Tây có lẽ do ảnh hưởng tự sự ưu đãi của thiên nhiên, đất rộng, người thưa, hoa trái quanh năm xum xuê tươi tốt. Người miền Tây có lối sống giản dị, mộc mạc, không cầu kỳ lễ nghĩa như văn hóa người Bắc. Họ trọng nội dung hơn hình thức; họ thích hài hước, nhẹ nhàng, thích nói xạo, nói dóc cho đời vui vẻ.

Đặc sản miền Tây

Văn hoá ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long mang nhiều nét của một miền quê sông nước. Do đặc điểm địa hình, thực phẩm chính vẫn là lúa gạo, cá tôm và rau quả nên văn hoá ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long dù đa dạng nhưng vẫn là được chế biến từ nguồn thực phẩm này. Mặc dù quan niệm là ăn để sống, nhưng người dân miền Tây rất chú trọng đến chất lượng món ăn nên họ hay chế biến sáng tạo để thay đổi khẩu vị. Ví dụ như từ con cá lóc, người ta có thể chế biến thành các món: cá lóc kho tộ, canh chua cá lóc, cháo cá lóc, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp, khô cá lóc, mắm cá lóc… Hoặc cũng là canh chua, nhưng người ta có thể thay đổi khẩu vị bằng cách nấu với bông điên điển hay bông so đũa, hoặc thay cá lóc bằng cá linh…

Canh chua cá linh bông điên điển, một món ngon dân dã ở miền Tây

Bên cạnh đó, do miền Tây có nhiều thành phần cư dân sinh sống (dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm) cho nên văn hóa ẩm thực cũng có sự pha trộn, giao thoa tạo nên nhiều món ăn ngon, lạ. Tuy vậy, ở mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những món ăn ngon đặc sản riêng, chế biến theo phong cách riêng, nêm nếp gia vị cũng khác.